Với những ai đã và đang làm trong ngành xuất nhập khẩu thì chắc hẳn không còn xa lạ với khái niệm HS Code nữa. Đây là một mã hết sức quan trọng trong quá trình làm xuất nhập khẩu mà bạn cần phải nắm rõ.
Vậy thì việc phân loại hàng hóa theo HS code này cần tuân thủ theo những quy tắc nào? Hãy cùng Tạp Chí Hải Quan tìm hiểu 06 quy tắc phân loại hàng hóa theo HS Code trong bài biết dưới đây nhé.
1. Phân Loại Hàng Hóa Là Gì? Mục Đích Của Phân Loại Hàng Hóa
Phân loại hàng hóa là việc căn cứ vào đặc điểm, cấu tạo, thành phần, tính chất vật lý, hóa học, công dụng sử dụng, quy cách đóng gói hàng hóa và các thuộc tính khác của hàng hóa đó để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam
Mục đích của phân loại hàng hóa là để xác định mã số của hàng hóa làm cơ sở để tính thuế cho hàng hóa và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.
Khi phân loại hàng hóa để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam
»»» Review Khóa Học Khai Báo Hải Quan Ở Đâu Tốt Nhất
2. Mã Phân Loại Hàng Hóa Là Gì
Mã HS Code là một trong những mã số giúp chúng ta có thể phân biệt được các loại hàng hóa khác nhau và xác định thuế xuất nhập khẩu. Cách thức phân loại được quy chuẩn quốc tế theo hệ thống mà tổ chức hải quan thế giới đưa ra.
3. 06 Quy Tắc Phân Loại Hàng Hóa
Quy tắc 1:
“Tên của các phần, các chương hoặc các phân chương chỉ được đưa ra nhằm mục đích là để việc tra cứu dễ dàng hơn. Để tính pháp lý được đảm bảo, phải phân loại hàng hóa theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chú giải của các phần, chương liên quan và tuân thủ theo các quy tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các chú giải đó không có bất cứ yêu cầu nào khác.”
Đây là quy tắc được xem xét đầu tiên trong quy trình phân loại HS Code.
Tên đề mục của Phần, Nhóm, Phân nhóm chỉ dùng cho mục đích tra cứu và không có bất kì giá trị pháp lý nào trong việc phân loại hàng hóa.
Việc phân loại hàng hóa sẽ được xác định theo nội dung của nhóm hàng và bất cứ chú giải phần nào hoặc chương nào có liên quan, khi nhóm hàng hoặc các chú giải không có yêu cầu nào khác thì sẽ tuân theo các quy tắc 2, 3, 4 hoặc 5 .
Quy tắc 2:
“a) Nếu một mặt hàng được phân loại thuộc một nhóm hàng nào rồi thì dù mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện thì vẫn sẽ thuộc nhóm đó, nếu hàng hóa đó đã có những đặc trưng cơ bản của nó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Quy tắc này cũng áp dụng đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc tháo rời.
b) Khi một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó rồi thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng sẽ thuộc nhóm đó. Những hàng hóa được làm toàn bộ từ một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó cũng sẽ được phân loại trong cùng nhóm này. hàng hóa được làm từ hai loại nguyên liệu hay hai chất trở lên phải tuân theo Quy tắc 3.”
Quy tắc 3:
Khi áp dụng quy tắc 2(b) hoặc vì bất kì một lý do nào hoặc vì hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:
– Quy tắc 3(a): Khi thực hiện việc phân loại hàng hóa những nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát.
Tuy nhiên, khi có hai hay nhiều nhóm mà trong mỗi nhóm chỉ có một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hoặc hợp chất, hoặc có chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa nếu hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bản lẻ, thì những nhóm này được xem như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, cho dù là một trong số đó có mô tả đầy đủ và chính xác hơn về những hàng hóa đó.
– Quy tắc 3b: Những hàng hóa hỗn hợp chứa nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được lắp ráp từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa được đóng gói ở dạng bộ để bán lẻ, nếu vẫn không phân loại được theo quy tắc 3(a), thì ta sẽ phải phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành để tạo ra những đặc tính cơ bản của hàng hóa.
Theo quy tắc 3(b) này thì hàng hóa sẽ được coi như là “ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ” và phải có những điều kiện như sau:
-
- i) Phải có ít nhất hai loại hàng khác nhau, mà thoạt nhìn ban đầu đã có thể xếp vào nhiều nhóm hàng khác nhau.
- ii) Gồm nhiều sản phẩm hoặc hàng hóa được đặt, xếp cạnh nhau để thực hiện một chức năng xác định hoặc đáp ứng một yêu cầu nhất định
- iii) Được xếp một cách thích hợp để có thể bán trực tiếp cho người sử dụng luôn mà không cần đóng gói tiếp
– Quy tắc 3(c): Trường hợp nếu không thể áp dụng được cả quy tắc 3(a) hoặc 3(b) thì hàng hóa được phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.
Quy tắc 4:
“Nếu hàng hóa không thể phân loại theo đúng các quy tắc 1,2,3 phía trên thì nó sẽ được phân loại vào nhóm phù hợp có loại hàng hóa giống chúng nhất.”
Quy tắc 5:
– Quy tắc 5(a): Hộp, bao, túi và các loại bao bì để chứa đựng tương tự
Các loại bao, hộp hoặc các loại bao bì tương tự như vậy hoặc có hình dạng đặc biệt có thể chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể sử dụng được trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, thì được phân loại cùng nhóm với những sản phẩm này.
Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng trường hợp bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.
– Quy tắc 5(b): Bao bì
Quy định việc phân loại các bao bì được dùng để đóng gói, chứa đựng hàng hóa. Tuy nhiên, đối với bao bì có thể dùng lại nhiều lần thì quy tắc này không áp dụng được, ví dụ như bao bì được làm từ thùng kim loại hoặc bình sắt, thép đựng khí đốt dạng nén hoặc lỏng.
Quy tắc 6:
Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa ở cấp độ phân nhóm phải tuân thủ các nguyên tắc như:
- Được xác định một cách phù hợp theo như nội dung của phân nhóm và chú giải phân nhóm. Theo quy tắc này thì với các chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có chứa những yêu cầu khác.
- HS Code phải được các định ở cấp độ Nhóm trước tiên.
- Các quy tắc 1 đến 5 dùng để điều chỉnh việc phân loại ở cấp độ phân nhóm trong cùng một nhóm.
- Chỉ so sánh được những phân nhóm cùng cấp độ.
4. Sử Dụng Kết Quả Phân Loại Hàng Hóa
+ Kết quả phân loại hàng hóa được sử dụng để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa trên cơ sở thực hiện quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ áp dụng tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.
+ Kết quả phân loại hàng hóa được sử dụng để áp dụng mức thuế đối với một mặt hàng trên cơ sở thực hiện quy định tại các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai và điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được áp dụng mức thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tham khảo chi tiết hơn tại:
Trên đây là 06 nguyên tắc phân loại hàng hóa mà bất kỳ ai học về xuất nhập khẩu đều phải biết. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho công việc và học tập của bạn.
Xem thêm:
- Tiểu Ngạch Là Gì? Phân Biệt Đường Tiểu Ngạch Và Chính Ngạch
- Phí CIC Là Gì? Phí CIC Có Tính Vào Trị Giá Tính Thuế?
- Hướng Dẫn Tra Cứu Tờ Khai Hải Quan